image

Hay tin bác mất cảm giác thật khó tả, muốn viết mà không biết viết gì.

Có lẽ ở VN thì bác Hùng Lân là 1 trong những hoạ sỹ có ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình lớn lên của thế hệ 8x, 9x nói chung, và bản thân mình nói riêng, đặc biệt trong 1 số lựa chọn đưa mình đến với ngành design.

Thời bé lúc nguệch ngoạc tập vẽ thì quanh đi quẩn lại chỉ có 3 nhân vật mình hay vẽ nhất là Đô Rê Mon, Sôn Gô Ku và Dũng sĩ Hesman. Hồi đó còn chưa hề biết Hesman là truyện của Việt Nam, ko nghĩ ở VN cũng có người biết vẽ truyện tranh, cứ nghĩ nhập từ nước nào về mà sao có cả nhân vật VN như Huy Hùng hay quá. Về sau biết cả trăm tập Hesman năm ấy bác phóng tác chỉ từ 1 lần xem Voltron – Defender of the Universe thì lại càng hâm mộ bác hơn.

Rồi đến giữa những năm 2000s, lúc tập toẹ bắt đầu dùng Photoshop/Corel để lên những “Thiết kế” đầu tiên, muốn dùng text tiếng Việt có dấu thời điểm ấy là cực khó khăn vì font đẹp có hỗ trợ tiếng Việt vào thời điểm ấy cực kỳ khan hiếm, loanh quanh chỉ có mấy font công sở như VnTime, VnArial hoặc fancy hơn thì có font VNI của hải ngoại làm nhưng cách bỏ dấu rất khác. Tự nhiên lúc đấy bộ font chữ HL Thư Pháp và HL Comic dùng bảng mã BK HCM 2 kì dị xuất hiện và được cung cấp free 100% giống như phao cứu sinh cho thế hệ graphic designer đời đầu như mình. Có lẽ đây vẫn là font thư pháp được dùng nhiều nhất trong in ấn quảng cáo ở VN cho đến tận bây giờ.

Video này cũng đã được 7 năm trong lần mình may mắn được gặp bác trong talkshow về Hesman. Được nghe kể về những câu chuyện đằng sau sự hình thành của tác phẩm huyền thoại ấy. Thực lòng mà nói kể từ khi biết Hesman là chuyện của VN mình vẫn tò mò làm thế nào mà đất nước trong thời điểm khó khăn ấy lại có người đi theo 1 nghề tương đối ‘mộng mơ’ như làm truyện tranh, để rồi được biết hoá ra vẽ truyện lại chính là cách để bác và già thoát khỏi cuộc sống gian khó của thời kỳ Kinh Tế Mới. Có nhiều chuyện còn chưa kịp hỏi bác, nhưng có lẽ như vậy cũng là may mắn hơn nhiều người rồi, có nhiều người đến giờ có khi vẫn chưa biết Hesman là truyện của Việt Nam. Bộ truyện tuy bây giờ trưởng thành đọc lại có nhiều phần ngô nghê nhưng ko bao giờ quên nó đã mang đến cho 1 thằng nhóc 10 tuổi năm ấy biết đến những khái niệm khoa học đầu tiên (robot sinh học, tia hồ quang, tia tử ngoại, sóng điện trường, chân không, hố đen etc.)

Fujio Fujiko (Doraemon), Akira Toriyama (7 viên ngọc rồng) và bây giờ là là người cha già của Dũng sĩ Hesman. Lần lượt từng mảnh ký ức của những người con thế hệ 8x mùa hè năm ấy nằm khểnh đọc truyện tranh đã dần trở về với cát bụi.

Yên nghỉ nhé bác.